Tin tức
Cơ hội giảm chi phí logistics
Cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam kỳ vọng Chính phủ sẽ sửa đổi các chính sách nhằm giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Giải pháp chủ yếu nằm ở chính sách
Đầu tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics nhằm tìm các giải pháp giảm chi phí logistics đang ở mức khá cao khi chiếm gần 21% GDP (số liệu nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới – WB).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, gánh nặng về chi phí logistics chính là rào cản lớn nhất đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, cho nên phải giảm chi phí logistics xuống hơn nữa. Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics. Thủ tướng nêu bốn vấn đề cần làm rõ, gồm thể chế, chính sách; kết nối hạ tầng giao thông; tính kết nối của các loại hình vận tải; phát triển doanh nghiệp và nguồn lực phục vụ logistics. Từ đó, tập trung đề xuất các giải pháp thực thi hiệu quả. Người đứng đầu Chính phủ mong muốn các chuyên gia kiến nghị các giải pháp cụ thể trước mắt và lâu dài để phát triển dịch vụ logistics, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí logistics.
Cơ hội giảm chi phí logistics
Về thể chế, chính sách, bà Trần Thị Lan Anh, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng trong hoạt động cung cấp dịch vụ logistics, vẫn tồn tại các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp và có tính chất áp đặt. Đơn cử như doanh nghiệp dịch vụ đại lý tàu biển phải có người chuyên trách thực hiện kinh doanh, khai thác dịch vụ đại lý tàu biển đã tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế.
Theo VCCI, việc yêu cầu doanh nghiệp phải có bộ phận chuyên trách là sự can thiệp vào quyền tự chủ trong tổ chức bộ máy nội bộ của doanh nghiệp – một quyền được Luật Doanh nghiệp 2014 bảo hộ. Hơn nữa, ở góc độ mục tiêu quản lý nhà nước, điều kiện này không nhằm hướng tới bảo đảm lợi ích nào cho quản lý. VCCI đề nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh như vậy.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chỉ ra rằng chi phí logistics cao nằm ở năm khâu, gồm phí vận tải đường bộ; phụ phí tại cảng biển; hạn chế về hạ tầng kết nối với các phương thức vận tải; thu phí hạ tầng cảng biển và kiểm tra chuyên ngành.
Theo ông Hiệp, để giảm chi phí logistics, cần thực hiện bốn giải pháp chủ yếu gồm tăng tỷ lệ thuê ngoài của dịch vụ logistics; kết nối các nhà cung cấp dịch vụ logistics với nhau thông qua sàn giao dịch vận tải; phát triển logistics khu vực Tây Nam bộ gắn chặt với vận tải thủy nội địa, kết nối Cần Thơ với Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải; bổ sung chức năng quản lý logistics vào Ủy ban quốc gia một cửa ASEAN, một cửa quốc gia, tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng hội nghị chưa đưa ra được nguyên nhân và trách nhiệm của ai khi để chi phí logistics tăng cao.
Để giảm chi phí ở khâu vận tải đường bộ, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị, cần rà soát để sớm giảm giá phí và xóa bỏ các trạm BOT không hợp lý để đảm bảo sự lựa chọn của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, cần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí chính thức và không chính thức, ngăn chặn tiêu cực. Nhà nước cần có chính sách sao cho các doanh nghiệp logistics trong nước có cơ hội nhiều hơn trong việc giành các quyền vận tải, bảo hiểm và thực hiện nhiều dịch vụ khác trong chuỗi cung ứng logistics. Đồng thời, có chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp trong nước đạt chuẩn về chất lượng dịch vụ.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất các nhóm giải pháp như cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải; sửa đổi chính sách thuế, phí, giá dịch vụ liên quan đến logistics; xây dựng cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư hạ tầng như cảng cạn, cảng biển; thành lập sàn giao dịch vận tải, kết nối tất cả các phương thức vận tải, giảm chi phí xe chạy rỗng một chiều.
Các giải pháp đưa ra nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính. Mục tiêu là thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 đạt khoảng 54,4%; đường sắt 4,3%; đường thủy nội địa 32,4%. Thị phần vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 đạt khoảng 93,2%; đường sắt 3,4%.
Cắt giảm thủ tục hành chính không tốn tiền, hiệu quả ngay
Nhận định về các giải pháp đưa ra, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng hội nghị chưa đưa ra được nguyên nhân và trách nhiệm của ai khi để chi phí logistics tăng cao. Khi chưa tìm được nguyên nhân thì chưa giải quyết được vấn đề. “Có nhiều giải pháp được cơ quan nhà nước đưa ra nhưng giải pháp chung chung quá. Sau hội nghị này, cần có quyết định hoặc chỉ thị của Chính phủ để vài tháng tới có kết quả ngay”, ông Cung đề xuất.
Ông Cung cho biết, ngành logistics còn rất nhiều thủ tục hành chính ràng buộc, chứ không chỉ các thủ tục như VCCI nêu ra. Các vụ, cục bảo không bỏ được, nếu các bộ trưởng không thực hiện quyết liệt thì không giải quyết được. Riêng về danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, ông Cung đề nghị cần có thời gian cụ thể ngày nào, tháng nào, năm nào có thể bỏ được cái đó. “Chỉ cần thay đổi cách hành xử thôi thì vấn đề sẽ khác. Nhiều khi doanh nghiệp kiến nghị, nhiều cơ quan nhà nước nghe chỗ này ra chỗ kia, rồi thái độ vô cảm, vô trách nhiệm, đặc biệt ở chính quyền địa phương”, ông nói.
Vẫn theo ông Cung, trọng tâm nên tập trung vào giải quyết các điểm nghẽn ở Hải Phòng và Cái Mép – Thị Vải. Giải quyết được hai điểm nghẽn này thì đã giảm được chi phí logistics khá lớn.
Sau phần ý kiến của chuyên gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, ngay sau hội nghị này, Bộ GTVT sẽ trình kế hoạch hành động lên Chính phủ để thực hiện ngay. Trong tháng 5 tới, Bộ GTVT sẽ cắt giảm 372 thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh, tương đương cắt giảm hơn 60%, dù Thủ tướng chỉ yêu cầu cắt giảm 50%.
Nguồn: Theo thời báo Kinh tế Sài Gòn
TƯ VẤN XNK
CHUYỂN PHÁT NHANH
THỦ TỤC HẢI QUAN